I. Công nghệ màn hình OLED là gì?
Công nghệ màn hình OLED (Organic Light Emitting Diode) hay gọi cách khác là “Diode phát quang hưu cơ” là một nhánh của công nghệ của màn hình LED. Công nghệ này sử dụng các vật liệu được làm từ hợp chất hữu cơ. Các điểm ảnh của công nghệ màn hình này sẽ phát sáng khi có dòng điện chạy qua. Độ sáng và màu sắc của các điểm ảnh phụ thuộc cường độ dòng điện truyền đến các điểm ảnh. Từ đó mang lại đến hình ảnh rõ nét và độ sáng cao. Mặt khác, khi không có dòng điện chạy qua các điểm ảnh này sẽ tắt và tạo thành một màu đen hoàn hảo trên màn hình. Nhờ vậy mà công nghệ này có độ tương phản cao và tiết kiệm điện năng đáng kể.
II. Cấu tạo của màn hình OLED bao gồm những gì?
Cấu tạo màn hình OLED
Cấu tạo cơ bản của màn hình OLED bao gồm 4 thành phần: Tấm nền, Anode, Lớp dẫn hữu cơ và Cathode.
1. Tấm nền:
Tấm nền của màn hình OLED thường được làm từ nhựa hoặc thủy tinh có chức năng chống đỡ cho các phần khác của màn hình.
2. Anode:
Cực Anode hay còn gọi là anot (cực dương) sẽ tạo ra các lỗ trống mang điện dương mỗi khi dòng điện chạy qua thiết bị.
3. Lớp dẫn hữu cơ:
Lớp dẫn hữu cơ bao gồm 2 bộ phận là lớp dẫn và lớp phát sáng.
– Lớp dẫn: có nhiệm vụ truyền tải các lỗ trống từ cực dương (anot)
– Lớp phát sáng: có nhiệm vụ truyền tải các electron từ cực âm (cathode).
4. Cathode:
Cực Cathode hay còn gọi là Catot(cực âm) sẽ tạo ra electron mỗi khi có dòng điện chạy qua thiết bị.
- Tìm hiểu thêm về màn hình ghép
III. Nguyên lý hoạt động của màn hình OLED
Quá trình phát sáng của các Diode phát quang trong tấm nền OLED được gọi là sự phát quang điện tử. Tiến trình này diễn ra khá phức tạp với trình tự như sau:
Sau khi dòng điện chạy qua từ nguồn điện, một dòng các electron sẽ chạy từ cực âm qua các lớp hữu cơ tới cực dương
Tiếp đó, tại biên giới giữa lớp phát quang và lớp dẫn, các electron sẽ gặp các lỗ trống, theo vật lý lượng tử, khi electron gặp một lỗ trống, nó sẽ tái hợp với lỗ trống này và tạo nên năng lượng dưới dạng một photon ánh sáng. Từ đó tấm nền Oled sẽ phát ra ánh sáng
IV. Ưu điểm nổi bật của màn hình OLED là gì?
Do có cấu tạo từ các lớp hợp chất hữu cơ mỏng nhẹ, do đó màn hình OLED rất linh hoạt và có thể dễ dàng uốn cong để tạo thành các màn hình cong, màn hình cuộn hay màn hình gập. Cũng nhờ cấu tạo như vậy mà chúng cũng có thể dễ dàng được sản xuất với kích thước lớn.
Màn hình OLED cong
Màn hình sử dụng nguyên lý tự phát sáng và tắt khi không có dòng điện chạy qua, do đó màn hình có chất lượng hình ảnh, độ sáng và độ tương phản đều rất cao.
Do không sử dụng đèn nền và nguyên lý tự phát sáng mà màn hình tiêu thụ ít điện năng hơn. Điều này đặc biệt hữu ích với các thiết bị hoạt động bằng pin như điện thoại di động.
Góc nhìn của màn hình OLED có thể lên đến gần 180 độ mà không thay đổi màu sắc cũng như chất lượng hình ảnh hiển thị.
V. Nhược điểm đáng chú ý của màn hình OLED là gì?
Bên cạnh các ưu điểm nổi trội thì màn hình OLED vẫn có một số nhược điểm đáng phải chú ý như quy trình sản xuất phức tạp, tỷ lệ lỗi trong quá trình sản xuất khá cao nên giá thành của của màn hình rất cao.
Một nhược điểm đáng chú ý khác là hiện tượng lưu ảnh. Hiện tượng này xảy ra khi có 1 hình ảnh được phát thường xuyên và liên tục trên màn hình, ta có thể thấy hiện tượng lưu ảnh này diễn ra trong vài phút khi chuyển tín hiệu.
Trong trường hợp nặng hơn, màn hình có thể bị hiện tượng “burn-in”, hiện tượng sẽ để lại dấu vết vĩnh viễn trên mặt màn hình. Hiện tượng này sẽ dễ dàng xảy ra nếu màn hình chỉ xem 1 hình ảnh kéo dài trong 8h mỗi ngày.
Ngoài ra, do sử dụng vật liệu hữu cơ nên tốc độ thoái hoá của màn hình OLED theo thời gian sẽ nhanh hơn các công nghệ khác. Do đó tuổi thọ của màn hình thấp.